Hiện nay, đeo kính áp tròng ban đêm là một phương pháp điều trị cận thị, loạn thị được nhiều người lựa chọn thay vì đeo gọng kính hay kính gọng truyền thống. Tuy vậy nhiều người vẫn chưa biết kính áp tròng ban đêm là gì và cách đeo kính áp tròng ban đêm như thế nào?
Trong bài viết hôm nay, Mắt Kính Shady sẽ giúp bạn hiểu rõ về loại kính này, về những ưu nhược điểm của nó và một vài lưu ý khi sử dụng kính áp tròng ban đêm.
I. Kính áp tròng ban đêm là kính gì?
Kính áp tròng ban đêm là loại kính khi đeo sẽ nằm trên bề mặt của giác mạc, khớp với phần lòng đen của mắt và thường có đường kính dưới 12mm. Kính thường được đặt vào mắt ngay trước khi ngủ vào buổi tối, và sẽ được lấy ra vào buổi sáng sau khi thức dậy, được dùng thay thế cho các phương pháp kính khác sử dụng vào ban ngày.
Về cơ chế trị liệu, kính áp tròng ban đêm được thiết kế riêng cho mắt của từng bệnh nhân, có khả năng điều chỉnh thị lực cho người có tật khúc xạ nhờ vào tính chất đàn hồi tự nhiên của giác mạc.
II. Ai có thể đeo được kính áp tròng ban đêm?
Những người trong độ tuổi từ 8-40 tuổi đều có thể đeo kính áp tròng vào ban đêm. Đặc biệt, đối với trẻ dưới 18 tuổi khi chưa đủ điều kiện để phẫu thuật mắt thì kính áp tròng ban đêm là một lựa chọn hoàn hảo.
Loại kính này được dùng cho những người có độ cận thị từ 1-6 độ và độ loạn thị không quá 2,5. Đối với những người cận trên 6 độ (khoảng 6,5-7), việc sử dụng kính áp tròng vào ban đêm còn phụ thuộc vào chu kỳ của bệnh nhân và phản ứng mắt của họ.
Đặc biệt, kính có thể sử dụng cho những người chưa phẫu thuật lasik. Trước khi bắt đầu sử dụng kính, bạn sẽ được kiểm tra mắt chuyên sâu khoảng 1-2 giờ nhằm đảm bảo mắt đủ khỏe để đeo loại kính này.
III. Ưu, nhược điểm của phương pháp sử dụng kính áp tròng ban đêm điều trị tật khúc xạ
1. Ưu điểm vượt trội của kính áp tròng ban đêm
- Kính có thể kiểm soát được mức độ tiến triển của tật cận thị, hay các tật khúc xạ về mắt.
- Người bị tật khúc xạ không còn phải đeo kính cận, kính áp tròng vào ban ngày mà vẫn có thể nhìn rõ, giúp bệnh nhân không bị hạn chế trong các hoạt động thường ngày đồng thời làm tăng tính thẩm mỹ.
- Kính dùng được cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em, người có tật khúc xạ tiến triển nhanh do khúc xạ của mắt.
- Người dùng có thể ngừng đeo kính bất cứ lúc nào và không cần lo lắng về các tác dụng phụ khi sử dụng kính.
2. Nhược điểm của kính áp tròng ban đêm
- Kính áp tròng ban đêm chỉ điều trị được tật cận thị, loạn thị và không điều trị được tật viễn thị.
- Kính không thích hợp với những người bị dị ứng, bị tổn thương giác mạc, bị khô mắt,…
- Những người phải làm việc vào ban đêm, hay thức khuya hoặc khó ngủ cũng không nên sử dụng kính áp tròng vào ban đêm. Bởi vì sự thiếu ngủ có thể khiến thị lực của bạn không được cải thiện vào ban ngày.
IV. Cách đeo kính áp tròng ban đêm
Kính áp tròng ban đêm có thiết kế đơn giản, áp sát tròng mắt ngay khi đặt kính vào nên khi đeo cũng rất dễ dàng. Bạn có thể tham khảo các bước đeo kính áp tròng ban đêm tại nhà dưới đây:
- Bước 1: Vệ sinh tay sạch sẽ và lau khô tay trước khi đeo kính.
- Bước 2: Đặt kính áp tròng vào ngón tay thuận và để mặt của kính áp vào tròng mắt hướng lên trên.
- Bước 3: Nhỏ nước bôi trơn vào tròng kính để kính có thể dễ dàng áp sát vào tròng mắt hơn.
- Bước 4: Khi tiến hành đeo kính, mắt nhìn thẳng vào trong gương, kéo nhẹ mí mắt dưới xuống và mở to tròng mắt, sau đó đưa kính áp tròng vào bên trong mắt và điều chỉnh lại kính cho cân đối bằng cách liếc nhẹ.
Trong trường hợp hiếm gặp, kính có thể trật khỏi trung tâm mắt và di chuyển sang một bên. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái nhưng cũng sẽ không gây hại cho mắt. Bạn có thể điều chỉnh lại kính bằng cách:
- Nhìn vào trong gương và xác định kính áp tròng đang ở đâu.
- Di chuyển mắt theo vị trí ngược lại với kính, dùng mí mắt nhẹ nhàng đẩy kính quay trở lại vị trí trung tâm của mắt. Bạn không nên sử dụng ngón tay vì điều này có thể gây hại cho mắt.
- Nếu có dụng cụ dùng để tháo ra gắn lại, bạn cũng có thể sử dụng nó để lấy kính ra khỏi mắt và đeo lại như lúc đầu.
Lưu ý:
- Khi đeo kính áp tròng vào ban đêm, bạn cần đảm bảo mắt của mình đang trong trạng thái khỏe mạnh.
- Nếu khi đeo gặp phải tình trạng châm chích, nóng rát hoặc đau, bạn nên tháo kính ra rửa sạch và lắp lại. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn, bạn không nên tiếp tục sử dụng kính và đến gặp bác sĩ sớm nhất để được tư vấn.
- Thời gian đeo kính được khuyến nghị là khoảng 6-8 tiếng/đêm.
- Thời điểm thích hợp để đeo kính là khoảng 15 phút trước khi đi ngủ.
V. Hướng dẫn cách làm sạch, bảo quản kính và hộp đựng kính
1. Làm sạch, bảo quản kính
- Trước khi làm sạch kính, bạn cần vệ sinh tay sạch sẽ bằng nước sát khuẩn.
- Đặt kính vào lòng bàn tay, để mặt trong của kính ngửa lên trên.
- Đổ dung dịch vệ sinh kính vào và dùng đầu ngón trỏ nhẹ nhàng lau theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 30 giây. Thực hiện tương tự với mặt ngoài của kính.
- Dùng nước muối sinh lý rửa lại kính, không nên sử dụng dung dịch sát khuẩn tránh gây ảnh hưởng tới mắt.
- Sau khi thực hiện xong các bước trên, đặt kính vào hộp và đổ nước ngâm kính ngập hết phần kính rồi đậy nắp lại.
Lưu ý: Khi vệ sinh kính, nếu thấy vết xước hoặc dấu hiệu lạ trên kính, bạn cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia trước khi sử dụng kính lần tiếp theo.
2. Làm sạch, bảo quản hộp kính
- Trước khi làm sạch hộp kính, bạn cần lấy kính áp tròng ra bên ngoài và đổ toàn bộ nước ngâm kính ra ngoài.
- Dùng nước muối sinh lý để làm sạch hộp, sau đó sử dụng khăm mềm, sạch nhẹ nhàng lau khô.
- Đổ dung dịch ngâm kính mới vào và đặt lại kính áp tròng vào bên trong.
Lưu ý:
- Nên thường xuyên thay dung dịch đựng kính hàng ngày.
- Đặt hộp kính ở nơi khô ráo, thoáng mát, không sử dụng những dung dịch lạ để rửa hộp kính.
VI. Lưu ý khi sử dụng kính áp tròng ban đêm
- Trước khi quyết định đeo kính áp tròng ban đêm, bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng, toàn diện các thông số như độ diop, độ dày của giác mạc,…
- Tuân thủ các quy tắc bảo quản kính để tránh việc kính bị nhiễm vi khuẩn và nấm mốc.
- Nếu tháo kính không đúng cách có thể gây đau mắt, sưng mắt và mờ mắt. Khi có các triệu chứng về mắt, bạn nên ngừng đeo kính và đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.
- Bạn cần ngủ đủ giấc, ít nhất 6-8 tiếng mỗi đêm để đảm bảo có thị lực tốt vào hôm sau.
- Phải thay kính đúng hạn, không đeo kính quá hạn sử dụng.
- Nên tái khám định kỳ: 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng sau lần đeo kính đầu tiên hoặc tái khám theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Bài viết đã tổng hợp những thông tin về kính áp tròng ban đêm, về cách đeo kính áp tròng ban đêm và các lưu ý khi sử dụng. Mắt Kính Shady hy vọng bạn đã có thêm những thông tin bổ ích và biết sử dụng kính áp tròng ban đêm đúng cách để đạt hiệu quả cao nhất.